Vịt nhà, vịt trời

Posted by

Video vịt trời có bay được không

Vịt – theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia là tên gọi phổ thông cho một số loài thuộc họ Vịt (Anatidae), bộ Ngỗng (Anseriformes). Vịt chủ yếu là một loài chim nước, sống được ở cả vùng nước ngọt lẫn nước mặn. Chúng có tập tính di cư.

Vịt đàn hay vịt cỏ.jpg Vịt đàn hay vịt cỏ.

Vịt, do sự thuần hoá của con người từ xa xưa, từ một vài loài, chúng trở thành vịt nhà. Ở Việt Nam thấy có vịt bầu và vịt đàn (hay vịt cỏ). Hồi chiến tranh chống Mỹ thấy có thêm vịt Bắc Kinh (vịt nhập từ Trung Quốc). Phân biệt, vịt bầu và vịt Bắc Kinh to con hơn, nặng cân hơn, đẻ ít trứng hơn, tự kiếm ăn kém; trong khi vịt đàn, ngược lại, nhỏ con hơn, nhẹ cân hơn, đẻ nhiều trứng và rất tự chịu khó kiếm mồi. Ngoài một vài loài trở thành vịt nhà, số còn lại, đông đảo là vịt trời. Trong một bài báo đăng trên mạng, người ta thử thống kê, có tới 26 loài (loại) vịt trời.

Vịt nhà, do thuần hoá, chúng không bay được (có bay, nhưng không bay được xa) và không biết ấp trứng. Nên mới có câu thành ngữ “Mẹ gà con vịt”, nghĩa đen xuất phát từ chuyện trước đây, muốn có vịt nuôi, người ta phải đem trứng vịt cho gà ấp. Vịt trời ngược lại, vẫn giữ các tập tính thiên nhiên, bay và ấp trứng. Vì thế, nuôi vịt trời phải có lưới quây để chúng khỏi bay mất. Còn nay muốn có vịt trời con thì người ta ấp trứng nhân tạo.

Nuôi vịt trời phải quây lưới.jpg Nuôi vịt trời phải quây lưới.

Trong loạt phim phóng sự “Miền Tây mùa nước nổi”, ở tập 9, nói về chuyện chăn vịt chạy đồng, đàn vịt đông tới vài trăm con, để lấy trứng. Người và vịt cùng sống lang thang từ hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Cuộc sống của họ được mô tả sâu sắc trong truyện “Cánh đồng bất tận” của nhà văn nữ trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Đầy bi thương nhưng có niềm tin. Trong tập phim trên có đoạn người chăn vịt tự thưởng công cho mình bằng cách nhặt vài quả trứng cho vào đống rơm đốt, nướng. Trứng vịt chín lòng đào họ cắn ăn nóng thấy rất ngon. Tôi đã được ăn trứng nướng ở Sa Pa. Sa Pa lạnh, đêm ngồi ăn trứng nướng nóng rẫy, cũng chín lòng đào, vừa ăn vừa thổi, vừa sưởi, vừa trò truyện với bà bán hàng, sương sa ướt áo, thấy “A! Cuộc sống thật là đáng sống/ Đời yêu ta, ta lại yêu đời” (Tố Hữu).

Tham Khảo Thêm:  Tìm hiểu về thuốc chữa gà khò khè

Một dạo, mới gần đây thôi, ngoài Bắc rộ lên các hàng treo biển “Vịt cỏ Vân Đình”. Thấy nhan nhản như những quán “Cháo vịt” ở trong Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội nhiều lắm. Quảng Ninh cũng có. Vân Đình là một thị trấn, huyện lỵ của huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Vân Đình không chỉ nổi tiếng với đặc sản vịt cỏ, còn nổi tiếng với thịt chó Vân Đình, giò chả Vân Đình, bánh cuốn chả Vân Đình v.v. Chỗ hồ Linh Đàm (Hà Nội) có một dãy quán “Vịt cỏ Vân Đình” kế tiếp nhau dài tới cả trăm mét. Tôi đã nhậu ở đây đôi ba lần. Họ chế biến nhiều món lắm. Ngoài những món thông thường như thịt vịt luộc, vịt xáo măng, thấy còn có thịt vịt xào lăn với sả ớt, chân vịt rút xương, lòng mề nướng v.v. Vài món ấn tượng với tôi những lần ăn ở đây là tiết canh vịt, vịt quay và vịt om sấu. Vịt om sấu, tôi đã đọc trên báo, nhưng nay không nhớ rõ tên, có một người phụ nữ ở Hà Nội đã chế ra món này. Vịt om sấu quả là ngon. Món ăn nóng giãy, thịt vịt chín mềm vị đậm đà vừa ăn, nước sẫm màu tiết, hơi béo, với vị chua nhẹ của sấu, mùi thơm của hành, tỏi, sả, hành lá và mùi tàu quả thực là một sự hòa quyện tuyệt vời. Món này chan với bún ăn cũng sướng. Tôi đã tự làm sau khi đã được thưởng thức. Cũng không khó lắm. Thịt vịt chặt miếng, ướp vừa gia vị, sau đó phi thơm hành, tỏi, sả, cho vào xào xăn rồi đổ nước nhiều hơi quá mặt thịt chừng đốt rưỡi ngón tay, thả thêm vài quả sấu vào, ninh. Thịt vịt chín mềm, nước cạn gần xăm xắp mặt thịt, dằm những quả sấu cho nhuyễn ra (nhớ dằm dần dần, để lấy độ chua vừa phải, tránh trường hợp lỡ tay cho nhiều sấu thì bỏ bớt ra, không dằm), nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, đổ vào đó chừng nửa muôi tiết vịt hãm, đảo đều, đun sôi lại, cho các thứ gia vị kể trên vào, bắc ra ăn nóng kèm với bún. Ngon chẳng kém nhà hàng. Mùa này đang sẵn sấu, sẵn vịt, bạn hãy làm thử.

Thịt vịt luộc.jpg Thịt vịt luộc.

Hôm nọ, hai nhà báo đã nghỉ hưu Trọng Khang (báo Quảng Ninh) và Thế Hùng (báo Quân khu 3; nay đang làm đại diện cho báo Cựu chiến binh ở Quảng Ninh) rủ tôi đi Tiên Yên ăn vịt trời. Thật tiếc, tôi bị lỗi hẹn, lỗi do tôi. Nhưng tôi đã ăn vịt trời ở nhà hàng gì đó quên tên, nếu tính từ Hạ Long về Hà Nội thì quán đó ở quá Tuần Châu một đoạn, sát gần một Trạm khí tượng. Ba người, chỉ gọi một con vịt trời. Ăn chuyên đề vịt trời. Họ làm mấy món. Thấy có tiết canh, thịt vịt rán, cổ cánh xáo măng, lòng mề xào miến. Uống rượu tây khá hợp. Cuối cùng húp bát cháo đậu xanh nguội rất mát, rất hay, để “chữa lửa”. Song thú thật, đó là lần đầu tiên tôi ăn vịt trời, có tự so sánh với vịt cỏ Vân Đình nhưng chả phân biệt được đâu là vịt trời, đâu là vịt nhà. Có thể là thế này chăng: Tiết canh vịt trời có vẻ ngọt hơn tiết canh vịt nhà và không có cảm giác hơi tanh, hay bởi tại nó ít? Có thể là thế này chăng: Thịt vịt trời quay, rán ăn hình như thấy săn chắc và dai, giòn hơn thịt vịt nhà? Có thể là thế này chăng: Món vịt xáo măng xương vịt trời hình như cứng hơn?

Tham Khảo Thêm:  Streptomycin

Thịt vịt quay.jpg Thịt vịt quay.

“Có thể” thế thôi. Chứ như nhà báo Trọng Khang sau khi đi ăn vịt trời ở Tiên Yên về, có viết một bài đăng trên báo Quảng Ninh cuối tuần nói nhà hàng ấy nuôi hàng trăm con vịt trời ở bãi sú vẹt gần đấy. Nhưng anh không cho biết họ nuôi thế nào. Còn như tôi lên mạng đọc, thấy có nhiều người nuôi vịt trời, giàu lên nhờ vịt trời, thu tới cả tiền tỷ, khắp các vùng Bắc – Trung – Nam, như Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá, Đắc Nông, TP. Hồ Chí Minh v.v. Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi nghỉ hưu có trang trại rộng 4 héc ta ở ngoại thành Hà Nội cũng nuôi vịt trời, ngỗng trời và một số con thú hoang khác. Tôi xem ảnh, thấy chụp người ta nuôi vịt trời theo lối công nghiệp, như nuôi gà công nghiệp, cả ngàn con, thì chắc thức ăn chính của chúng sẽ là “cám cò”? Và nếu nuôi như vậy thì thịt vịt trời sẽ không hoàn toàn là vịt trời nữa. Cho nên bữa vịt trời ở Tiên Yên tôi không được ăn (thật tiếc!), song tôi đồ rằng chắc cũng không khác ở cái quán tôi đã ăn kể trên. Hỏi quán ấy, họ bảo vịt trời họ mua bởi trang trại nuôi mạn tỉnh Bắc Giang đưa sang, nơi người nuôi nuôi một lúc cả ngàn con thu về bạc tỷ.

Vịt xáo măng.jpg Vịt xáo măng.

Tham Khảo Thêm:  Gà bị sưng mắt là bệnh gì? Cách trị gà bị sưng mắt?

Nhưng vịt trời vẫn là vịt trời, mặc dù nay có đang nuôi theo lối công nghiệp, không khan hiếm lắm nữa, thì giá vịt trời nuôi vẫn cao ngất ngưởng so với vịt nhà. Nên đi ăn vịt trời nhà hàng chỉ là đi ăn để biết mùi vị, chứ nó không dành cho khách bình dân lui tới thường xuyên.

Viết về vịt nhà, vịt trời, về sự ăn chúng, sao trong đầu tôi lại lảng vảng một loạt các thành ngữ, ca dao về cò, về vạc, diệc, nông. Tỷ như câu ca: Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con. Hay: Cái cò, cái vạc, cái nông/ Cùng ăn một đồng nói chuyện giăng ca/ Muối kia đổ ruột con gà/ Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình. Rồi: Con cò con vạc con nông/ Ba con cũng béo vặt lông con nào?/ Vặt lông con vạc cho tao/ Hành răm nước mắm bỏ vào mà thuôn. Cũng lại nhớ tới các thành ngữ “Thấp như vịt”, “Ngu ngơ như vịt đội nón”. Và cả chuyện “Tin vịt” nữa – tin không chính xác, tin thất thiệt; mà có tới hai căn cứ giải thích về nguồn gốc của nó: 1. Từ này xuất hiện ở Đức cuối thế kỉ 17. Dưới những tờ báo đưa tin giật gân nhưng không chính xác, người ta ghi 2 chữ NT (viết tắt 2 từ trong tiếng Latinh Non Testatur có nghĩa là “chưa được kiểm chứng”). 2 chữ cái NT tiếng Đức đọc là êntê, lại có nghĩa là con vịt. Và từ đó loài vật vô tội này trở thành biểu tượng của sự bịa đặt. 2. Một tờ báo Âu Châu đăng chuyện hài hước: Có 1 người nuôi 10 con vịt, chúng rất háu ăn. Một hôm chúng đói quá, chủ nhà liền làm thịt 1 con vịt băm ra cho 9 con ăn. Nhưng đàn vịt vẫn đói. Chủ nhà liền làm thịt 1 con nữa cho 8 con ăn. Đàn vịt vẫn đói và kêu toáng lên. Chủ nhà liền làm thịt 1 con cho 7 con ăn và cứ thế, đến khi còn 2 con, chúng mới no. Từ bài báo này đã đẻ ra từ tin vịt, một tin không chính xác. Từ tin vịt nhập vào nước ta trước năm 1945.

Vịt om sấu.jpg Vịt om sấu.

Sao lại nhớ đến những câu ca, những chuyện ấy? Do liên quan đến những xáo, những thuôn, những hành, răm, nước mắm, muối hay do ngữ nghĩa của chúng đem lại?

Chẳng biết nữa.

Trần Giang Nam