GS. Võ Quý – cây đại thụ của ngành bảo tồn thiên nhiên Việt Nam – có thói quen quan sát chim từ nhỏ. Lên 5-6 tuổi, ông đã thuộc lòng các loài chim ở quê mình. Hơn 30 tuổi, ông phát hiện ra con Trĩ lam Hà Tĩnh mà người dân quen gọi là “gà lừng”, chưa được các nhà khoa học thế giới công nhận. Ông đã kiên trì nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu chứng minh trong vòng 20 năm. Loài chim này sau nhiều lần kiểm chứng mới được Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) công nhận là loài mới, và được đặt tên là “Vo Quy Pheasant” – Trĩ Võ Quý, để ghi nhớ công lao của người đã phát hiện và mô tả chính xác một loài Trĩ mới quý hiếm. Để lại cho đời nhiều cống hiến quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn và nghiên cứu về giới tự nhiên, GS. Võ Quý đã qua đời vào ngày 10/01/2017… Nhân dịp tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, chúng tôi xin giới thiệu tới Quý độc giả loài chim mang tên ông, như một sự mặc niệm.
Mô tả
Được phát hiện đầu tiên vào năm 1964, chim trĩ Việt Nam hay còn gọi là Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura Hatinhensis) còn được biết đến với cái tên Trĩ Võ Quý, tên nhà khoa học Việt Nam đã mô tả loài này vào năm 1965.
Chim trĩ đực trưởng thành có vẻ ngoài tuyệt đẹp với bộ lông đen ánh tím thẫm. Lông cánh đen, bao cánh đen có ánh xanh. Các lông bao cánh, lông ở lưng và bao đuôi có vệt ngang đen nhung ở gần mút lông. Nổi bật trên nền lông đen bóng là những chiếc lông đuôi trắng, dài và chiếc mào ngắn màu trắng. Mầu sắc trên mặt và chân cũng khá tương phản, da mặt và chân mầu đỏ rực, mắt mầu nâu đỏ.
Chim cái trưởng thành có kích thước nhỏ hơn chim đực với bộ lông màu hung nâu tối, ít nổi bật hơn. Tuy nhiên, lông cánh có mầu ấm hơn và đuôi ngả mầu đen, một số lông đuôi giữa mầu nâu ấm và sẽ chuyển thành mầu trắng khi già đi. Mầu da mặt và chân của chim cái cũng tương tự như chim đực. Chim trĩ con có bộ lông tơ mầu vàng, sau chuyển sang mầu nâu, trông giống chim cái trưởng thành.
Chim trĩ đực Việt Nam trưởng thành có bề ngoài khá giống chim trĩ đực Edward (Lophura edwardsi). Một số nhà khoa học tin rằng đây là một chi của loài trĩ Edward, vì chỉ có một vài điểm khác biệt là chim trĩ đực Việt Nam có 4 lông đuôi mầu trắng thay vì mầu xanh, và có mào dài hơn một chút. Chim cái ở hai loài hoàn toàn giống nhau.
Chim trĩ Việt Nam có tiếng kêu trầm, khàn, được chúng sử dụng khi cảnh báo các loài chim khác.
Xem thêm : Ngan nuôi bao lâu thì thịt được? Trả lời cho người mới nuôi ngan
Đặc điểm sinh học
Với bản chất bí ẩn, nên chỉ có một số ít nghiên cứu về đặc điểm sinh học của loài chim này trong tự nhiên. Tuy nhiên, chắc chắn rằng thức ăn của chim trĩ Việt Nam bao gồm thóc, hạt, cây cối và côn trùng.
Hầu như không có thông tin về thói quen sinh sản của loài trĩ Việt Nam hoang dã, nhưng các nhà nghiên cứu đã quan sát được hành vi kết đôi và làm tổ trong môi trường nuôi nhốt. Mùa sinh sản của loài này kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4. Chim cái có khả năng sinh sản khi được 2 năm tuổi.
Con đực quyến rũ con cái bằng cách dựng mào, xù lông lưng và đập nhanh đôi cánh. Khi nhận được những tín hiệu này, con cái sẽ kết đôi với con đực và đào tổ dưới đất. Con cái sinh từ 5 đến 7 quả trứng vào cuối tháng 3, trứng nở sau khoảng 21-22 ngày.
Phân bố và sinh cảnh
Chim trĩ Việt Nam là loài đặc hữu của 3 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế, chủ yếu xuất hiện trong và quanh Khu BTTN Kẻ Gỗ. Tổng diện tích nơi sinh sống rất nhỏ, chỉ khoảng 2.900 km2 và bị phân mảnh trầm trọng.
Bên cạnh nơi cư trú thường xuyên là các khu rừng nguyên sinh và thứ sinh kín tán, chim trĩ Việt Nam còn được tìm thấy tại một số khu vực rừng có hoạt động khai thác chọn lọc, với rừng tán thấp chủ yếu là các loài cọ nhỏ. Chim trĩ Việt Nam phân bổ chủ yếu tại các vùng đất thấp và đồi núi có độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, mặc dù ghi nhận cho thấy loài này cũng có mặt ở các sườn núi thấp và các sườn dốc liền kề.
Xem thêm : Chăm sóc heo con từ khi sinh đến khi cai sữa (P1)
Tình trạng bảo tồn
Chim trĩ Việt Nam được xếp hạng nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN với số lượng cá thể trưởng thành còn lại chỉ còn dưới 2.499 con (số liệu năm 1995). Số lượng này tiếp tục suy giảm do tình trạng tàn phá môi trường rừng đất thấp đặc hữu của loài chim trĩ để nhường chỗ cho canh tác lúa. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác lá cọ, gỗ, mây để gia tăng thu nhập của người dân địa phương cùng áp lực từ hoạt động săn bắn cũng là những thách thức lớn đối với loài chim này.
Việc bảo tồn loài trĩ Việt Nam phụ thuộc vào các nỗ lực bảo vệ hiệu quả thông qua các khu bảo tồn. Các cuộc điều tra trong khoảng giữa năm 1988-1994 đã giúp xây dựng một kế hoạch quản lý cho Khu BTTN Kẻ Gỗ. Được công bố vào năm 1996, kế hoạch này giúp giảm đáng kể các hoạt động khai thác gỗ trong khu bảo tồn, bảo vệ khu vực sinh sống quan trọng của loài chim này.
Bởi lẽ các nỗ lực bảo tồn phụ thuộc rất lớn vào các khu bảo tồn thiên nhiên, năm 2000 Chương trình Việt Nam của Tổ chức BirdLife Interational và Viện điều tra Quy hoạch rừng đã đánh giá tính khả thi của việc thiết lập Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nét. Hiện nay các thủ tục liên quan đến việc thành lập khu bảo tồn này đang được hoàn tất.
Ngoài ra, số lượng chim trĩ Việt Nam được nuôi nhốt trong Vườn thú Hà Nội đã gia tăng đáng kể nhờ chương trình hỗ trợ sinh sản. Mặc dù vậy, vẫn cần thêm nhiều đánh giá sâu hơn về yêu cầu sinh cảnh và tình trạng bảo tồn của loài chim bị đe dọa này.
Kim Ngân (Theo Widescreen Arkive)
Giáo sư Võ Quý là người cố vấn và hỗ trợ tinh thần cho PanNature từ ngày đầu thành lập. Sự ra đi của GS. Võ Quý là một mất mát to lớn đối với PanNature nói riêng, giới bảo tồn Việt Nam, cũng như cộng đồng nghiên cứu khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế nói chung.
Nguồn: https://mcwdagasv388.com
Danh mục: Kiến thức